Nhìn chung, sự nhộn nhịp kể trên kỳ vọng sẽ tháo gỡ được giới hạn nguồn cung, đưa ngành bất động sản khu công nghiệp phát triển đúng với tiềm năng, đón nhận mạnh dòng vốn FDI. Trở lại với năm 2020, nhu cầu cao, cung hụt đẩy giá thuê tại nước ta tiếp tục tăng.
Nổi lên như điểm sáng của khu vực với chi phí lao động rẻ, vị trí thuận lợi, đặc biệt là việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đang là điểm đặt nhà máy mới của hàng loạt doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Tin vui mới đây, sau nhiều tháng đáng tiếng, Apple chính thức công bố việc chuyển dây chuyền sản xuất iPad, Macbook sang Việt Nam, mở ra một cơ hội lớn cho nền kinh tế nói chung và bất động sản khu công nghiệp nói riêng.
Thực tế, ngành bất động sản khu công nghiệp nước ta đã sớm cho thấy sự lạc quan, ngay từ đầu năm 2019 khi căng thẳng thương mại lên cao khiến nhiều thương hiệu rục rịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát như chất xúc tác đẩy nhanh công cuộc trên.
Song, với tỷ lệ lấp đầy ở mức cao, giới hạn về nguồn cung là một trong những bài toán “cân não” cho doanh nghiệp nội trong việc đón nhận dòng vốn tương lai. Ghi nhận, tỷ lệ lấp đầy trung bình các khu công nghiệp phía nam đang ở mức cao 84%, trong khi một phần quỹ đất còn trống lại gặp khó khăn trong việc bồi thường và giải phóng mặt bằng. Một tình trạng tương đương cũng đang diễn ra ở khu vực miền bắc, bao gồm các tỉnh phát triển khu công nghiệp mạnh như Hải Phòng, Bắc Ninh…
Trong động thái mới nhất, nhiều đơn vị có tiềm lực cũng như đất trống sớm lên kế hoạch khai thác tiềm năng này, và đã chính thức đánh tiếng gia nhập những tháng gần đây. Kể tên gồm Vingroup thông qua Công ty Khu công nghiệp Vinhomes, Hoà Phát (HPG), Phát Đạt (PDR), DRH Holdings đến Asanzo với pháp nhân mới Winsan. Điều này dĩ nhiên kỳ vọng mang lại lợi nhuận cho các đơn vị kể trên. Nhưng, đặt vào bức tranh chung, đây còn là tín hiệu lạc quan thúc đẩy toàn ngành phát triển lên tầm cao mới, khi khó khăn về nguồn cung được tháo gỡ!
Nguồn: JLL, VDSC.
Quý đầu năm nay, Vingroup cũng gia nhập với CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (VHIZ). Vốn khá kỹ tính trong đầu tư, việc lấn sân bất động sản khu công nghiệp của Vingroup cũng không ngoại lệ. Từ đầu năm 2019, Tập đoàn đã nhiều lần đề cập đến kế hoạch tăng trưởng mới trong tương lai. Phía Vinhomes cũng cho biết định hướng năm 2020 là xem xét mở rộng sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp để đón đầu lĩnh vực hấp dẫn này và phát triển thêm nguồn doanh thu. Đến nay, kế hoạch cụ thể vẫn chưa được Tập đoàn công bố.
Không kém cạnh, CTCP Xây dựng và phát triển đô thị Hoà Phát, đơn vị thuộc “ông vua” ngành thép Hoà Phát (HPG) cũng cho thấy hành động quyết liệt đầu tiên trong cuộc chạy đua lấn sân mảng khu công nghiệp. Khi mà, cuối tháng 3 năm nay, đơn vị bày đã gửi văn bản tới UBND tỉnh Hưng Yên xin chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch và thực hiện dự án đầu tư Khu công nghiệp Bãi Sậy thuộc các xã: Bãi Sậy, Phù Ủng, Bắc Sơn (huyện Ân Thi, Hưng Yên).
Được biết, Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát sớm được thành lập từ năm 2001, có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng với 99,85% vốn được HPG nắm giữ. Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực đầu tư và xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp để cho thuê lại, đầu tư kinh doanh bất động sản và xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp.
HPG còn tiếp tục phát đi tín hiệu khai thác sâu rộng hơn mảng bất động sản với quyết định thành lập công ty bất động sản với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, sau “scandal” liên quan đến hàng công nghệ, ông chủ Asanzo cũng trở lại với công ty đa ngành Winsan. Nguồn lực ban đầu theo ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch Winsan – cho biết đâu đó 1.000 tỷ đồng và sẽ tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Bên cạnh mảng chủ lực là công nghệ (dự kiến chiếm 70% vốn đầu tư), bất động sản công nghiệp, hậu cần được xác định là một hạng mục đầu tư quan trọng mà Winsan sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới.
Theo ông Tam, trong bối cảnh Covid-19 tác động đến nền kinh tế thì thương mại điện tử có cơ hội phát triển, tạo đà cho bất động sản công nghiệp, hậu cần phát triển đáp ứng nhu cầu thuê nhà xưởng, kho bãi. Ngoài ra sự chuyển dịch sản xuất từ những công ty toàn cầu sang Việt Nam cũng mang đến nhiều tín hiệu tích cực.
Mặt khác, nhiều công ty phát triển dự án cũng rầm rộ kế hoạch phát triển khu công nghiệp như Phát Đạt (PDR), DRH Holdings (DRH)…
Chưa kể, tên tuổi hiện hữu vẫn đang dần mở rộng nguồn cung trong tương lai. Đơn cử Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), theo lộ trình trong giai đoạn 2021 – 2025, Công ty sẽ triển khai 9 dự án khu công nghiệp với tổng quỹ đất gia tăng gần 4.000 ha tập trung tại Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Pleiku.
Hay liên danh Đầu tư Tân Thành Long An và Quản lý Khu công nghiệp Sáng Tạo Việt Nam (VNIP) mới đây đã khởi công dự án khu công nghiệpvà đô thị Việt Phát, diện tích hơn 1.800 ha tại Long An…
Nguồn: JLL, VDSC.
Nhìn chung, sự nhộn nhịp kể trên kỳ vọng sẽ tháo gỡ được giới hạn nguồn cung, đưa ngành bất động sản khu công nghiệp phát triển đúng với tiềm năng, đón nhận mạnh dòng vốn FDI. Trở lại với năm 2020, nhu cầu cao, cung hụt đẩy giá thuê tại nước ta tiếp tục tăng.
Thống kê bởi Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá thuê trung bình khu vực phía Bắc trong quý 3/2020 đạt 102 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Giá thuê nhà xưởng dao động trong khoảng 4,1-5,2 USD/m2/tháng, tăng 2,1%. Tại cánh phía nam, giá cho thuê trung bình tăng gần 10% lên 106 USD/m2/chu kỳ thuê. Giá thuê nhà xưởng dao động trong khoảng 3,5-5 USD/m2/tháng, không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ.
Hiện, dòng vốn FDI phần lớn đi vào các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng ở phía Bắc và thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu ở phía Nam.
Nguồn Cafef.vn