TIN TỨC

Cổ phiếu ngành hàng không sẽ “trỗi dậy” vào năm 2023, nửa cuối năm nay phù hợp để tích lũy

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest

Agriseco Research cho rằng khó có thể kỳ vọng các doanh nghiệp hàng không có thể hồi phục mức lợi nhuận về gần mức trước dịch ngay trong năm 2021.

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến nền kinh tế toàn cầu và hoạt động kinh doanh của các ngành nghề theo những mức độ khác nhau. Đặc biệt, ngành hàng không hay lữ hành gần như là những nạn nhân chịu ảnh hưởng đến 100% những hệ lụy tiêu cực. Các công ty hàng không trên thế giới đã phải bước vào “cửa tử” khi tuyên bố phá sản, con số này lên đến gần 100 hãng. Theo kỳ vọng thì phải tới năm 2023, ngành hàng không toàn cầu mới có thể hồi phục hoàn toàn.

Nhìn nhận tại thị trường Việt Nam, báo cáo mới đây của Chứng khoán Agriseco đã đánh giá ngành hàng không đang gặp muôn vàn khó khăn, tuy nhiên vẫn có nhiều ánh sáng kỳ vọng phía trước khi mà việc tiêm vaccine được triển khai, các đường bay dần được mở lại bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Xét về cơ hội đầu tư, trong bối cảnh dòng tiền đang đảo lớp và có thể hướng tới các nhóm ngành hưởng lợi sau khi dịch bệnh được khống chế, Agriseco Research đánh giá các cổ phiếu ngành hàng không vẫn có nhiều dư địa tăng trưởng trong ngắn và dài hạn.

Tác động từ khủng bố và khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong quá khứ cũng không thể so sánh được với mức sụt giảm gây ra bởi Covid-19

Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không thế giới, con số thiệt hại đến hết tháng 4/2021 ước tính đã lên ngưỡng 130 tỷ USD. Theo báo cáo, những tác động từ vụ khủng bố 11/09 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 mặc dù đã đem lại cho ngành hàng không rất nhiều tác động tiêu cực, song vẫn không thể so sánh được với mức giảm gây ra bởi dịch Covid -19.

 

Cổ phiếu ngành hàng không sẽ trỗi dậy vào năm 2023, nửa cuối năm nay phù hợp để tích lũy - Ảnh 1.

Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ lượng khách luân chuyển toàn cầu chỉ đạt 20% – 30% so với thời điểm năm 2019. Về sản lượng ghế cung ứng, tính đến tháng 5/2021, sự phục hồi diễn ra với tốc độ chậm chạp, so với một năm trước chỉ có một số thị trường chính có khả năng tăng nguồn ghế cung ứng như Mỹ, Pháp. Tuy nhiên, con số này vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với thời kỳ trước dịch năm 2019.

Nhu cầu đi lại sụt giảm đã khiến các hãng hàng không trên thế giới buộc phải cắt giảm chi phí vận hành, hơn 400 nghìn việc làm bị cắt giảm. Tính đến hết quý 1/2021, tổng mức hỗ trợ của Chính phủ các nước đối với ngành hàng không đã đạt hơn 80 tỷ USD, tuy nhiên số doanh nghiệp trong ngành phá sản trong năm 2020 vẫn cao hơn so với thời điểm khủng hoàng tài chính toàn cầu năm 2008. Con số này được kỳ vọng sẽ giảm xuống trong các năm tới sau khi dịch bệnh được kiêm soát và nhu cầu đi lại phục hồi.

Nhiều doanh nghiệp hàng không đã phá sản và giá cổ phiếu trung bình ngành sụt giảm mạnh, rất nhiều mã cổ phiếu đã bốc hơi chỉ còn 30% – 40% so với mức trước dịch.

Khó khăn cho ngành hàng không nội địa

Không nằm ngoài những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, trong năm 2020 các hãng hàng không nội địa Việt Nam (HVN, VJC, Bamboo) chỉ khai thác 216 nghìn chuyến bay, giảm hơn 33% so với 2019.

Những quy định về phòng chống dịch bệnh và cách ly đã tác động mạnh lên sản lượng khách quốc tế cập cảng hàng không và hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Tổng sản lượng trong năm vừa qua của đối tượng khách này chỉ đạt 3,2 triệu người, tương đương giảm hơn 80% so với 2019. Theo đánh giá từ Cục hàng không Việt Nam, việc cắt bỏ toàn bộ đường bay đến Trung Quốc đồng nghĩa mức thiệt hại hơn 8 triệu lượt khách mỗi năm.

Trước diễn biến này, các hãng hàng không đã buộc phải đưa nhiều nhiều biện pháp như giảm giá dịch vụ để kích cầu du lịch.

Cổ phiếu ngành hàng không sẽ trỗi dậy vào năm 2023, nửa cuối năm nay phù hợp để tích lũy - Ảnh 2.

Không những phải đối mặt với tác động chung của toàn cầu, các hãng hàng không nội địa nước ta còn chịu áp lực cạnh tranh nặng nề khi thị trường đã xuất hiện thêm những đối thủ mới.

Hãng hàng không Vietravel đã chính thức được chấp thuận hoạt động từ tháng 01/2021 với số tàu bay khai thác nội địa là 3 chiếc. Bên cạnh đó, tay chơi mới tham gia vào thị trường khác là Bamboo cũng rất được chú ý khi phát triển đội tàu bay khá nhanh, tổng quy mô đội bay dự kiến nâng lên 30 chiếc vào cuối năm 2023 và bàn giao hết vào năm 2025.

Theo đó, việc giảm giá vé để giữ được thị phần nội địa đã phần nào khiến lợi nhuận các hãng hàng không đều bị ảnh hưởng rất nặng nề. Trong đó, đáng chú ý trong năm 2020 là Vietnam Airlines (HVN) đã ghi nhận khoản lỗ hơn 12 nghìn tỷ làm vốn chủ sở hữu giảm đáng kể, trong quý I/2021, HVN tiếp tục ghi nhận mức lỗ gần 5 nghìn tỷ, gấp đôi so với cùng kỳ. Ngoài ra, theo báo cáo từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước SCIC gửi Chính Phủ, trong 6 tháng đầu năm 2021 HVN có thể ghi nhận mức lỗ hơn 10.000 tỷ đồng, tương đương khoảng gần 70% tổng mức lỗ cả năm 2020.

Với VietJet (VJC), hãng hàng không này ghi nhận lợi nhuận năm 2020 giảm về gần số không, tuy vẫn ở mức dương song động lực chính lại đến từ các mảng kinh doanh không phải cốt lõi như bất động sản hoặc đầu tư tài chính. Hoàn thành 3 tháng đầu năm 2021, VJC đạt lợi nhuận 123 tỷ đồng, khá thấp so với mặt bằng chung trước dịch.

Bên cạnh đó, trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các hãng hàng không cũng đều động thái cắt giảm chi phí và tối giản quy mô đội tàu bay.

Agriseco Research cho rằng xu hướng cạnh tranh giữa các hãng hàng không nội địa sẽ tiếp diễn trong năm 2021, với việc nguồn cầu thấp và dư cung như hiện tại, khó có thể kỳ vọng các doanh nghiệp hàng không có thể hồi phục mức lợi nhuận về gần mức trước dịch ngay trong năm 2021.

Kỳ vọng hồi phục hoàn toàn vào năm 2023

Theo IATA, tổng sản lượng khách sử dụng dịch vụ hàng không ước tính trong năm 2021 sẽ chỉ đạt được trên 50% so với mức trước khi đại dịch diễn ra. Con số này được kỳ vọng sẽ cải thiện lên 88% vào năm 2022 và hồi phục hoàn toàn vào năm 2023.

Những dự báo trên cho thấy còn rất nhiều khó khăn đang chờ đợi các hãng hàng không ở phía trước, tuy nhiên trong ngắn hạn vẫn tồn tại một số cơ hội mà các doanh nghiệp có thể tận dụng để cải thiện tình hình như câu chuyện áp dụng hộ chiếu vaccine có thể sẽ được Chính Phủ Việt Nam chấp thuận vào cuối quý 3/2021.

Ngoài ra, việc mở lại một số đường bay quốc tế và thị trường nội địa cũng dần hồi phục khi kế hoạch 70% dân số được tiêm vaccine vào cuối năm sẽ giúp thúc đẩy du lịch và giúp các hãng hàng không cải thiện kết quả lợi nhuận.

Cổ phiếu ngành hàng không sẽ trỗi dậy vào năm 2023, nửa cuối năm nay phù hợp để tích lũy - Ảnh 3.

Dư địa tăng trưởng mạnh, nửa cuối năm 2021 là thời điểm phù hợp để tích lũy

Về cơ hội đầu tư trong ngắn hạn nhóm cổ phiếu ngành hàng không, Agriseco Research đánh giá các cổ phiếu này sẽ có nhiều cơ hội tăng giá khi dịch bệnh dần được kiểm soát, kéo theo nhu cầu du lịch được hồi phục nhờ các chính sách kích cầu.

Thống kê với 4 làn sóng dịch tại Việt Nam đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu của 2 ông lớn trong ngành là HVN và VJC đều có xu hướng giảm sâu khi số ca mắc mới tạo đỉnh và hồi phục ổn khi đỉnh dịch qua đi. Theo dự báo của các chuyên gia, khả năng đỉnh dịch của đợt bùng phát thứ 4 đã qua hoặc sẽ được hình thành vào đầu tháng 7.

Cùng với đó, hiện tại đang trong giai đoạn cao điểm của mùa du lịch, với việc tình hình dịch tại đợt bùng phát thứ 4 đang bắt đầu hạ nhiệt, các hãng hàng không có thể sẽ ghi nhận doanh thu hồi phục ổn trong quý 3 khi mà nhu cầu du lịch tháng 8 và 9 khả năng cao đột biến so với năm 2020.

Những xúc tác trong ngắn hạn từ các gói hỗ trợ như giảm áp lực thanh toán lãi vay, chính sách cắt giảm chi phí cất hạ cánh hoặc điều chỉnh giá dịch vụ điều hành, dịch vụ mặt đất cùng với một số cơ chế riêng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không sẽ giúp các doạnh nghiệp vượt qua khó khăn.

Nói về dài hạn, báo cáo của Agriseco đánh giá đây đang là giai đoạn khó khăn nhất của ngành hàng không và sẽ hồi phục trong giai đoạn 2022 – 2023. Do vậy, Agriseco kỳ vọng kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu các doanh nghiệp trong ngành sẽ quay trở lại như trước khi xảy ra đại dịch Covid trong vòng 1-2 năm tới. Điều này là có cơ sở do khả năng kiểm soát dịch bệnh rất hiệu quả tại Việt Nam đã được chứng minh trong quá khứ, kết hợp với việc tiêm Vacine cho người dân đang được triển khai đúng tiến độ kỳ vọng.

Theo đó, giai đoạn nửa cuối năm 2021 là thời điểm phù hợp để tích lũy các cổ phiếu ngành hàng không. Báo cáo cũng lựa chọn mã cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines để đầu tư dài hạn do có triển vọng tăng trưởng từ việc tái cấu trúc và đón nhận các hình thức tăng vốn mạnh, cùng với đó là đội tàu lớn cùng mạng lưới đường bay đa dạng sẽ là những nhân tố tạo nên dư địa tăng trưởng mạnh với 45%. Agriseco Research cũng đưa ra mức dự báo dư địa tăng trưởng cho cổ phiếu VJC của VietJet và VTR của Vietravel lần lượt là 20% và 30%.

Cổ phiếu ngành hàng không sẽ trỗi dậy vào năm 2023, nửa cuối năm nay phù hợp để tích lũy - Ảnh 4.
Diễn biến ba cổ phiếu HVN, VJC, VTR trong 1 năm gần đây
Messenger icon
Send message via your Messenger App