Nhóm cổ phiếu BĐS dự báo sẽ là lựa chọn đầu tư theo chu kỳ nổi bật thay thế cho các mã ngành ngân hàng hiện tại. Nhà đầu tư được khuyến nghị nên giảm tỷ trọng các cổ phiếu “vua” và thay thế bằng các mã của ngành BĐS.
Nhà đầu tư tại những ngày đầu tiên của tháng 7 đang “chóng mặt” với các nhịp xoay chiều của thị trường chứng khoán. Sau 6 tháng đầu năm 2021 thăng hoa rực rỡ, chỉ số VN-Index bước sang những ngày đầu của quý 3 vẫn giữ nguyên đà tăng, liên tục lập đỉnh mới và thậm chí dễ dàng bỏ xa ngưỡng kỳ vọng 1.400 điểm.
Tuy vậy, thị trường chứng khoán luôn chứa đựng quá nhiều yếu tố khó lường đối với cả những nhà đầu tư lâu năm. Phiên 6/7 đã gây ngỡ ngàng cho toàn bộ giới đầu tư khi chỉ số VN-Index bất ngờ rơi 56 điểm, cổ phiếu đồng loạt “đo sàn”. Hơn 240.000 tỷ vốn hóa TTCK Việt Nam bị “thổi bay” và đánh dấu là phiên giảm điểm mạnh nhất trong gần 6 tháng trở lại đây.
Giữa sự hoang mang của các nhà đầu tư, CTCK VNDirect mới đây đã tổ chức một buổi tọa đàm theo hình thức livestream, qua đó nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô đồng thời đưa ra chiến lược đầu tư trong nửa cuối năm 2021.
“Cầu xuất khẩu là động lực cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021”
Đánh giá về vĩ mô 6 tháng đầu năm 2021, theo ông Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp – Ban Kinh tế TƯ, động lực tăng trưởng cực kỳ ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam đến chủ yếu từ cầu xuất khẩu với mức tăng trưởng 28,4% so với cùng kỳ. Điều này xuất phát từ việc hàng loạt thị trường chính của xuất khẩu như Mỹ, EU, Trung Quốc đang phục hồi và mở cửa trở lại, cộng thêm là ảnh hưởng tích cực của các hiệp định được ký kết như EVFTA.
Cùng với đó, dòng vốn đầu FDI được giải ngân đã tăng 6,8% là mức khá tốt, tình hình đầu tư công cũng có nhiều tín hiệu khởi sắc đã giúp nền kinh tế Việt Nam trụ vững và tăng trưởng bất chấp việc làn sóng Covid-19 lần thứ 4 quay trở lại gây ra vô số tác động tiêu cực.
Ông Tú Anh cho rằng, làn sóng dịch bệnh lần này có điểm tiêu cực hơn khi ảnh hưởng trực tiếp đến các KCN lớn, gây sụt giảm năng lực sản xuất, ngoài ra, các ngành dịch vụ cũng bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Điểm sáng trong 6 tháng vừa qua có lẽ là ngành nông nghiệp khi đã có mức tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ, các ngành còn lại giữ được mức tăng ổn định.
Dòng tiền F0 chủ yếu đến từ khu vực kinh tế “chưa quan sát được”
Thời gian qua, đâu đâu cũng đưa ra nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với yếu tố nâng đỡ chủ yếu là thanh khoản từ các nhà đầu tư mới gia nhập vào thị trường hay còn lại là các F0. Vậy câu hỏi đặt ra là lượng F0 khổng lồ này thực sự tới từ đâu?
Ông Tú Anh đã nêu ra một giả thuyết, ở đó đề cập rằng dòng tiền F0 ồ ạt đổ vào thị trường thời gian vừa qua chủ yếu xuất phát từ khu vực được đặt tên là “khu vực kinh tế “chưa quan sát được”, có giá trị không hề nhỏ và khá riêng biệt, phân tách hẳn với tầm quản lý của ngân hàng hay nhà nước.
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và hoành hành, dòng tiền tại khu vực “chưa quan sát được” đã bị ngưng trệ không thể lưu thông, buộc phải tìm kiếm các kênh đầu tư khác và thị trường chứng khoán chính là “mảnh đất” phù hợp nhất trong thời điểm này.
Nếu như tin tưởng vào giả thuyết này, ông Tú Anh cho rằng sau khi kinh tế Việt Nam dần ổn định, cầu của khu vực chưa quan sát được sẽ bật tăng trở lại, kích hoạt dòng tiền chạy ra khỏi thị trường chứng khoán. Đây là điều mà nhà đầu tư cần thật sự lưu ý trong khoảng thời gian tới.
Cẩn trọng với nhịp điều chỉnh của thị trường sau khi vượt cản tâm lý 1.400 điểm và vùng trũng thông tin trong quý 3
Nhận định về thị trường chứng khoán trong nửa sau của năm 2021, bà Trần Khánh Hiền – Giám đốc Khối Phân tích VNDirect đánh giá, cơ hội vẫn rất tích cực, được hỗ trợ bởi (1) môi trường lãi suất thấp; (2) hiệu ứng FOMO – tâm lý sợ bỏ lỡ; (3) triển vọng tăng trưởng lợi nhuận và (4) “game” tăng vốn của các CTCK giúp giải quyết nhu cầu vay margin.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thật sự cẩn trọng trong thời gian này, khi mà thị trường sau khi vượt ngưỡng tâm lý 1.400 điểm sẽ có thể bước vào hàng loạt nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, khoảng thời gian tháng 7 và tháng 8 hàng nằm luôn nằm trong vùng “trũng thông tin”, những diễn biến của thị trường sẽ trở nên khó lường hơn rất nhiều. Phải đến tháng 9, khi mà ước tính kết quả kinh doanh quý 3 và cả năm sẽ được công bố, kỳ vọng tăng trưởng mới có thể quay trở lại.
Những yếu tố vĩ mô như việc FED dự báo thắt chặt lãi suất hay hoạt động phát hành cổ phiếu mới của các doanh nghiệp nhằm hút thêm vốn trong ngắn hạn sẽ gây tăng cung, từ đó tạo áp lực tác động đến giá cổ phiếu.
“Giá cổ phiếu đang chạy trước lợi nhuận”, 4 điểm nhấn cho đầu tư trong 6 tháng cuối năm 2021
Định giá thị trường hiện tại đang ở ngưỡng xấp xỉ 19 lần, dự báo P/E cả năm 2021 sẽ đạt mức hơn 16 lần, tương đương trung bình 5 năm. Nếu so sánh với 12 tháng qua thì định giá hiện tại là không hề rẻ, tuy nhiên cũng chưa phải là quá đắt.
Ông Hoàng Anh Tuấn – Trưởng phòng Tư vấn đầu tư VNDirect nhận định, giá cổ phiếu hiện tại đang chạy trước mức tăng trưởng của lợi nhuận. Do đó, dự báo thời gian tới, giá cổ phiếu sẽ có xu hướng đảo chiều giảm nhẹ. Thị trường tới đây sẽ trở nên phân hóa khi các ngành có lợi thế phát triển sẽ tiếp tục tăng trưởng cả về giá cổ phiếu; ngược lại, những ngành không có tính đột phá thì giá cổ phiếu sẽ đi ngang để “chờ” lợi nhuận.
Về quan điểm đầu tư trong 6 tháng cuối năm 2021, bà Hiền đưa ra đánh giá về ngành và cổ phiếu tiềm năng dựa trên 4 điểm nhấn. Cụ thể, sự hồi phục mạnh mẽ của nhu cầu trên thế giới giúp các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn như dệt may, thủy sản, gỗ & các sản phẩm gỗ, cao su và thép được đánh giá sẽ trở nên tích cực. Ngoài ra, logistic và BĐS khu công nghiệp cũng sẽ hưởng lợi chính trong xu hướng mở cửa lại này. Đáng chú ý, một ngành có quan hệ mật thiết khi cầu xuất khẩu trở lại là cảng biển sẽ tăng trưởng rất phân mảnh khi việc tăng công suất đáp ứng nhu cầu của các cảng không phải là điều dễ dàng thực hiện.
Điểm nhấn đầu tư 6 tháng cuối năm 2021 (nguồn: VNDirect)
Ngoài ra, việc triển khai tiêm vaccine sẽ là cú hích quan trọng cho nhóm ngành dịch vụ như du lịch, dịch vụ lưu trú, nhà hàng và hàng không. Cùng với đó, xu hướng tăng giá của hàng hóa cơ bản sẽ vẽ nên triển vọng tươi sáng cho nhóm dầu khí và các nhà xuất khẩu thép, cao su, nông sản. Cuối cùng, nhóm cổ phiếu BĐS dự báo sẽ là lựa chọn đầu tư theo chu kỳ nổi bật thay thế cho nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện tại. Nhà đầu tư được khuyến nghị nên giảm tỷ trọng các cổ phiếu “vua” và thay thế bằng các mã của ngành BĐS.
Bình luận thêm về các mã cổ phiếu ngành điện, bà Hiền cho rằng đây là ngành có nhiều tiềm năng nhưng có rõ sự phân hóa. Trong đó, mảng điện than không có kỳ vọng nhiều và sự tập trung sẽ hướng vào hai mảng thủy điện và điện gió, hứa hẹn trong 6 tháng cuối năm sẽ bùng nổ và thậm chí giữ triển vọng tích cực trong 2 năm tới.
Nguồn Cafef.vn