CTCP Chứng khoán MB (mã MBS niêm yết trên sàn HNX) dự kiến phát hành hơn 103,2 triệu cổ phiếu mới nhằm tăng vốn lên 2.676 tỷ đồng từ mức 1.643 tỷ đồng.
Thanh khoản tỷ đô – MBS tăng vốn khủng phục vụ nhu cầu gia tăng
Thanh khoản thị trường liên tục tăng cao nhờ lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã khiến nguồn vốn cung ứng cho hoạt động margin luôn ở trong tình trạng căng cứng. Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển hệ thống công nghệ giao dịch hiện nay vẫn đang khá “phập phù” và hay bị quá tải. Do vậy, nhằm bổ sung nguồn lực tài chính cho công ty, hàng loạt công ty chứng khoán đã lên kế hoạch tăng vốn khủng
CTCP Chứng khoán MB (MBS: HNX) dự kiến phát hành hơn 103,2 triệu cổ phiếu mới nhằm tăng vốn lên 2.676 tỷ đồng từ mức 1.643 tỷ đồng. Cụ thể, số lượng chào bán cho cổ đông hiện hữu là hơn 70,4 triệu cổ phiếu, số lượng chào bán ESOP là hơn 8,2 triệu cổ phiếu, còn lại hơn 24,6 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành để trả cổ tức. Giá chào bán MBS đưa ra là 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị đợt chào bán này theo đó đạt gần 1.033 tỷ đồng. Như vậy, với hơn 164,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tổng số cổ phiếu lưu hành tại Công ty cổ phần Chứng khoán MB sau đợt chào bán sẽ đạt hơn 267,6 triệu cổ phiếu.
Cùng với việc tăng vốn của MBS, hàng loạt các công ty chứng khoán cũng có kế hoạch gia tăng năng lực tài chính bằng cách tăng vốn như: CTCP Chứng khoán Đà Nẵng (DSC) tăng vốn điều lệ từ 60 tỉ đồng lên 1.000 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán (CTCK) Đại Nam (DNSE) cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ 160 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng, Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) dự kiến phát hành 152,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 14.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn thêm 2.135 tỉ đồng, CTCK VNDirect (VND) phát hành hơn 220 triệu cổ phiếu mới nhằm tăng vốn lên gấp đôi, từ mức 2.145 tỉ đồng lên gần 4.400 tỉ đồng, CTCK Bản Việt (VCI) cũng thông qua kế hoạch tăng vốn lên gấp đôi, từ 1.656 tỉ đồng lên 3.330 tỉ đồng, CTCK Everest (EVS) sẽ chào bán riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 600 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng.
Với sự gia tăng năng lực tài chính mạnh mẽ này, MBS cũng như các CTCK khác sẽ đóng góp đáng kể vào sự gia tăng mạnh mẽ của nhà đầu tư mới tham gia thị trường, hỗ trợ thanh khoản tăng trưởng một cách bền vững.
Kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng của MBS
Năm 2021 MBS xây dựng kế hoạch doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 480 tỷ đồng. Đến hết quý 1/2021, doanh thu đạt hơn 400 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 125 tỷ đồng, tăng trưởng gần 380% so với cùng kỳ. Như vậy, hết quý 1, MBS đã hoàn thành 27% chỉ tiêu doanh thu và 26% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
Chiến lược kinh doanh linh hoạt và xuyên suốt, bền vững
Trong giai đoạn sắp tới, MBS tiếp tục tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi gồm: môi giới, cho vay margin, tự doanh, và IB, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của MB nhằm tối ưu hóa lợi thế là công ty của Tập đoàn, đảm bảo nằm trong Top 5 về thị phần môi giới và duy trì Top 3 doanh thu IB trên thị trường. MBS vừa qua đã lựa chọn được BCG là đơn vị tư vấn chiến lược cho Công ty trong giai đoạn 5 năm 2021 – 2025, do đó sẽ triển khai các sáng kiến theo đúng chiến lược, đảm bảo linh hoạt, hiệu quả cho MBS. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ gia tăng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động DN, đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
Nguồn thu của MBS đến từ 4 nguồn chính: HĐ môi giới, Cho vay margin, HĐ tự doanh & HĐ IB, trong đó 3 hoạt đ���ng đầu tiên đóng góp >80% doanh thu toàn Công ty. Về cơ cấu lợi nhuận, tương tự như các CTCK khác, HĐ margin đóng góp lớn nhất cho LN của công ty, tiếp đến là hoạt động IB, Tự doanh và Môi giới khách hàng tổ chức (ICS).
Tiềm năng tăng trưởng
MB sở hữu tệp khách hàng (KH) lớn với hơn 5 triệu khách hàng tính đến cuối Q3/2020 và phục vụ hơn 80% KHDN, do đó MBS hoàn toàn có khả năng mở rộng tệp khách hàng thông qua đẩy mạnh các hoạt động bán chéo với Ngân hàng mẹ & các công ty con khác trong Tập đoàn, đặc biệt đối với hoạt động IB và tư vấn phát hành trái phiếu. Năm 2020, MBS tiếp tục duy trì vị trí Top 3 doanh thu IB & thực hiện tư vấn phát hành thành công gần 30 nghìn tỷ đồng trái phiếu cho các DN, tăng 63% so với năm 2019.
Ngoài tệp KH phổ thông hiện hữu, trong năm 2020, MB ra mắt dịch vụ Private Banking cho giới siêu giàu Việt Nam, trong đó Khách hàng sẽ được tiếp cận không giới hạn mọi sản phẩm, dịch vụ riêng có của tập đoàn MB. Nhằm tận dụng lợi thế từ tệp KH này của MB, MBS đã & đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh kênh Private, và từng bước xây dựng các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của những Khách hàng đặc thù.
Bên cạnh đó, MBS cũng phối hợp với Khối Ngân hàng số của MB ra mắt một số sản phẩm mới như mở tài khoản chứng khoán nhanh qua App MBBank, trở thành 1 trong 2 CTCK cho phép khách hàng giao dịch chứng khoán qua App Ngân hàng, sử dụng các dịch vụ tài chính qua App… Điều này cho phép mở rộng tệp KH của MBS thông qua tệp KH hiện hữu của MB. Đặc biệt việc nâng cấp, cải tiến chức năng mở tài khoản chứng khoán eKYC từ Ứng dụng MBBank đã giúp số lượng TK MBS chăm sóc và tư vấn đạt trên 140.000 tài khoản tính đến cuối năm 2020, tăng 17% so với đầu năm. MBS kỳ vọng sẽ triển khai mở tài khoản chứng khoán thành công cho nửa triệu khách hàng của Tập đoàn trong năm 2021.
Thời của cổ phiếu chứng khoán đang tới
Thanh khoản bình quân trên thị trường chứng khoán đã vượt 1 tỷ USD: theo thống kê kể từ tháng 7/2020 thanh khoản trên thị trường bắt đầu tăng từ mức bình quân 5.000 tỷ/phiên và đạt mức 15.000 tỷ đồng cuối năm 2020. Tuy nhiên, lượng tài khoản mở mới tiếp tục tăng trong quý 1/2021 đã đẩy thanh khoản lên mức kỷ lục mới. Chỉ số Vnindex đã chính thức vượt đỉnh lịch sử đầu tháng 4/2021 với thanh khoản bình quân đạt 22.500 tỷ đồng/phiên thì sang nửa đầu tháng 5/2021 những phiên giao dịch trên tỷ USD đã không hiếm gặp, giá trị giao dịch bình quân 2 tuần đầu tháng 5 đã đạt trên 24.000 tỷ đồng/phiên
Giá cổ phiếu tăng vọt: Kể từ đầu năm, cổ phiếu MBS đã tăng 40,61% và dẫn đầu mức tăng của nhóm cổ phiếu chứng khoán, cổ phiếu VND cũng tăng 33,54%, VCI cũng tăng 13,16%, SHS tăng 10,4%….
Hứa hẹn một mùa “bội thu”: Khi thanh khoản trên 1 tỷ USD được kích hoạt và trở thành chuyện thường ngày trên sàn chứng khoán Việt Nam, chứng khoán sẽ là ngành “thiên thời” và được hưởng lợi lớn từ phí giao dịch, lượng tài khoản mở mới, nghiệp vụ IB, cho vay margin… Thực tế cho thấy trong quý 1/2021 vừa qua, khi thanh khoản thị trường dao động ở mức 16.000 – 18.000 tỷ đồng (tổng cả 3 sàn), các công ty chứng khoán đã có kết quả kinh doanh rất “khủng”. Đây là ngành có kết quả kinh doanh đột biến bậc nhất trong các ngành kinh doanh hiện nay, có doanh nghiệp lãi đậm gấp 10 lần cùng kỳ. Vậy nên, khi thanh khoản đạt mức tỷ USD như hiện nay, các công ty chứng khoán hứa hẹn một mùa vụ bội thu. Công ty Chứng khoán Tp. HCM (HSC) công bố báo cáo tài chính quý 1/2021 với lợi nhuận sau thuế 321,8 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước. Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (HSX: SSI) cũng ghi nhận quí 1-2021 kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng với lợi nhuận trước thuế đạt 528,2 tỉ đồng – tăng gấp 34 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đối với MBS, Đến hết quý 1/2021, doanh thu đạt hơn 400 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong 04 tháng đầu năm 2021, MBS đã đạt doanh thu 587 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 171,8 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt là 193% và 271% so với cùng kỳ 2020. Như vậy, với năng lực và hiệu quả kinh doanh như trên MBS tự tin hoàn toàn có thể hoàn thành và vượt kế hoạch kinh doanh tham vọng của mình.
Lượng tài khoản mở mới tháng 3 và tháng 4 đều đạt đạt trên 100.000 tài khoản, bên cạnh đó theo thống kê chính thức từ Ủy ban chứng khoán, đến cuối quý 1/2021, tổng dư nợ giao dịch ký quỹ ở mức 101,4 nghìn tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái và con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng…cùng với đó là thị trường chứng khoán thăng hoa, thanh khoản tỷ USD đã tiếp sức cho nhiều công ty chứng khoán có tham vọng lợi nhuận nghìn tỷ. Do vậy, cổ phiếu chứng khoán nói chung, MBS nói riêng sẽ còn nhiều cơ hội tạo sự bứt phá.
Nguồn Cafef.vn
https://cafef.vn/thanh-khoan-thi-truong-bung-no-mbs-tang-von-khung-20210511163908146.chn