Dù thị trường chung tương đối tích cực, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng được hưởng niềm vui chiến thắng. Bất chấp xu hướng tăng trưởng của thị trường, vẫn xuất hiện nhiều cổ phiếu ngược dòng giảm sâu, bao gồm cả những Bluechips “tỷ đô”.
TTCK Việt Nam đang trải qua những ngày tháng sôi động nhất trong lịch sử. Kết thúc phiên giao dịch 19/5, chỉ số VN-Index dừng tại 1.262,5 điểm, tăng 14,4% so với đầu năm và đang ở vùng giá cao nhất từ trước tới nay.
Sự sôi động của thị trường đã giúp nhiều nhóm cổ phiếu tăng mạnh, thậm chí tăng “bằng lần” như các cổ phiếu ngân hàng, thép, dệt may…
Dù thị trường chung tương đối tích cực, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng được hưởng niềm vui chiến thắng. Bất chấp xu hướng tăng trưởng của thị trường, vẫn xuất hiện nhiều cổ phiếu ngược dòng giảm sâu, bao gồm cả những Bluechips “tỷ đô”.
Thống kê cổ phiếu các doanh nghiệp có vốn hóa từ 1 tỷ USD (23.000 tỷ đồng) trở lên trên sàn chứng khoán từ đầu năm tới nay có tới 15 cổ phiếu ngược dòng thị trường giảm điểm.
Trong đó, SAB là cái tên giảm mạnh nhất khi thị giá kết thúc phiên giao dịch 19/5 chỉ đạt 153.500 đồng, giảm 20,6% so với đầu năm. Tác động kép từ nghị định 100 và dịch Covid-19 bùng phát cùng với áp lực cạnh tranh mạnh trong ngành bia những năm gần đây đang tác động tiêu cực tới triển vọng Sabeco, qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới giá cổ phiếu.
Biến động cổ phiếu SAB
Tương tự, một cổ phiếu lớn khác trong ngành F&B là VNM cũng ghi nhận mức giảm 18,8% từ đầu năm tới nay. Áp lực cạnh tranh ngành sữa ngày càng gia tăng, tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp chậm lại cùng áp lực bán ròng của khối ngoại tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu “vua sữa” giảm sâu.
Trong khi đó, “đại gia” ngành bảo hiểm là BVH cũng ghi nhận mức giảm giá cổ phiếu 19,4% từ đầu năm. Việc cổ phiếu BVH biến động kém tích cực có thể đến từ lo ngại lãi suất thấp kéo dài cũng như chi phí tái bảo hiểm tăng.
Theo đánh giá của SSI Research, môi trường lãi suất thấp kéo dài sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư gặp khó khăn và làm giảm lợi nhuận của các công ty bảo hiểm vì phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ. Ngoài ra, nếu lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm hơn nữa, gánh nặng sẽ đặt lên dự phòng kỹ thuật bảo hiểm nhân thọ – ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận kế toán.
Bên cạnh đó, SSI Research cũng cho rằng chi phí tái bảo hiểm tăng cũng là vấn đề rủi ro. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam thua lỗ cao, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản, đã khiến các nhà tái bảo hiểm quốc tế tăng giá tái bảo hiểm. SSI Research tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong trung hạn. Hậu quả quan trọng của việc này là các công ty bảo hiểm có thể không thể duy trì các hợp đồng tái cố định (treaty) và buộc phải chuyển sang các hợp đồng tái tạm thời (facultative), ảnh hưởng đến năng lực của bảo hiểm phi nhân thọ.
Trong số những cái tên tỷ đô giảm giá từ đầu năm có sự xuất hiện của những cổ phiếu hàng không như ACV (-14,6%), VJC (-12%), HVN (-5,7%), đây là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề trực tiếp từ dịch Covid-19.
Bộ đôi cổ phiếu ngân hàng BID, VCB cũng có diễn biến không thực sự tích cực khi ngược dòng xu hướng chung của nhóm giảm lần lượt 14,6% và 3,9%. Diễn biến kém tích cực của bộ đôi cổ phiếu ngân hàng này có thể đến từ việc đã tăng khá tốt trong giai đoạn 2018, 2019, dẫn tới mức định giá không còn quá hấp dẫn so với các cổ phiếu ngân hàng khác.
Cũng có diễn biến không mấy tích cực trong thời gian gần đây là VGI. Kết thúc phiên giao dịch 19/5, thị giá VGI chỉ còn 30.600 đồng, giảm 8,7% so với đầu năm. Những biến động chính trị bất khả kháng tại Myanmar đã ảnh hưởng tiêu cực tới Viettel Global, gây tác động lớn đến việc quy đổi kết quả kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại đây, trong đó có công ty liên kết của Viettel Global là Mytel. Dù bù đắp bởi sự tăng trưởng của các thị trường khác nhưng sự kiện bất khả kháng này đã dẫn đến lợi nhuận trước thuế trong kỳ rơi xuống -106 tỷ đồng.
Nguồn Cafef.vn