TIN TỨC

VCSC: “Dự thảo nghị định quản lý Khu công nghiệp là động lực thúc đẩy thu hút FDI”

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest

VCSC cho rằng dự thảo nghị định sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các chủ đầu tư KCN trong danh mục theo dõi, bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), Kinh Bắc City (KBC), CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) và CTCP Sonadezi Châu Đức (SZC).

Trong báo cáo mới được công bố, CTCK Bản Việt (VCSC) đã có những đánh giá lạc quan về triển vọng ngành Bất động sản Khu công nghiệp (BĐS KCN).

Theo VCSC, mặc dù sự xuất hiện trở lại của các ca Covid-19 trong cộng đồng ở Việt Nam có thể làm ảnh hưởng đến triển vọng ngắn hạn, đặc biệt là KQKD quý 2/2021 của nhóm KCN, tuy nhiên VCSC tin rằng dịch sẽ sớm được kiểm soát trong những tháng tới.

Về các dự án mới, từ đầu năm đến giữa tháng 6/2021, tổng diện tích mặt bằng của các dự án KCN mới được phê duyệt là khoảng 6.500 ha so với chỉ xấp xỉ 1.700 ha trong cả năm 2020. Tuy nhiên, các dự án KCN được phê duyệt chủ yếu ở miền Bắc, trong khi các dự án KCN mới được phê duyệt ở miền Nam còn hạn chế.

VCSC đánh giá triển vọng mảng KCN của Việt Nam trong trung và dài hạn vẫn được duy trì do Việt Nam là nước hưởng lợi chính từ sự chuyển dịch cơ cấu của các hoạt động sản xuất toàn cầu. Ban đầu được thúc đẩy bởi lợi thế về chi phí, sự chuyển dịch cơ cấu đã được đẩy nhanh bởi căng thẳng thương mại Trung Quốc – Mỹ và nhu cầu đa dạng hóa cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Bên cạnh chi phí lao động tương đối thấp, Chính phủ Việt Nam duy trì các chính sách khuyến khích thu hút dòng vốn FDI, bao gồm một số lượng lớn các hiệp định thương mại tự do (FTA), chính sách khuyến khích thu hút nhà đầu tư nước ngoài và các quy định mới về quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế nhằm cải thiện môi trường kinh tế.

Dự thảo Nghị định về quản lý khu công nghiệp thúc đẩy thu hút FDI

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MoPI) đã ban hành dự thảo Nghị định về quản lý khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) vào ngày 09/06/2021, sẽ thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP hiện hành (“NĐ 82”) được công bố vào ngày 22/05/2018.

Dự thảo nghị định phân cấp thẩm quyền phê duyệt cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành. Quy hoạch tổng thể và kế hoạch đầu tư các dự án KCN lớn (có tổng diện tích trên 200 ha) vẫn phải được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

VCSC cho rằng các chủ đầu tư KCN đã phải đối mặt với những trở ngại do các quy định hiện hành không cho phép chính quyền cấp tỉnh/thành phê duyệt những thay đổi không đáng kể (chẳng hạn như những thay đổi nhỏ về vị trí trong một quận/huyện hoặc điều chỉnh giảm quy mô tổng diện tích của một KCN do các thay đổi quy hoạch). Do đó, VCSC tin rằng việc phân cấp thẩm quyền cho chính quyền địa phương sự linh hoạt và thẩm quyền để phê duyệt các dự án KCN mới và mở rộng/sửa đổi các dự án KCN hiện tại một cách kịp thời sẽ giảm bớt khó khăn cho chủ đầu tư và người thuê.

Theo VCSC, các quy định rõ ràng và toàn diện hơn từ nghị định mới sẽ cho phép chính quyền địa phương và các chủ đầu tư KCN giải quyết các trở ngại hiện có, từ đó đẩy nhanh quá trình phê duyệt và phát triển đồng thời cung cấp đủ quỹ đất KCN để đáp ứng nhu cầu tăng cao hiện tại trong bối cảnh tỷ lệ lấp đầy cao ở các cụm công nghiệp trọng điểm trên cả nước. Ngoài ra, nghị định mới sẽ cung cấp hướng dẫn và quy định về các mô hình KCN dựa theo kinh nghiệm quốc tế, sẽ giúp tăng thêm giá trị cho người thuê và tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn.

Dự thảo Nghị định đưa ra hướng dẫn và quy định rõ ràng, toàn diện hơn cho các mô hình KCN (bao gồm các KCN hỗ trợ, chuyên sâu, sinh thái và mô hình KCN – đô thị – dịch vụ). Ví dụ, KCN Tân Lập I của PHR là KCN chuyên sâu tập trung vào ngành gỗ và các ngành liên quan và sẽ có các chính sách khuyến khích như miễn/giảm tiền thuê đất.

VCSC cho rằng dự thảo nghị định sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các chủ đầu tư KCN trong danh mục theo dõi, bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), Kinh Bắc City (KBC), CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) và CTCP Sonadezi Châu Đức (SZC).

Messenger icon
Send message via your Messenger App