VDSC cho rằng giá thép cán nóng (HRC) của Hòa Phát (HPG) trong quý 3 tiếp tục tăng lên 960 USD/tấn và duy trì ở mức 900 USD/tấn trong quý 4/2021. Do đó, HPG có thể đạt tỷ suất lợi nhuận gộp 38,5% trong 6 tháng cuối năm nay.
Trong báo cáo mới công bố, CTCK Rồng Việt (VDSC) đánh giá, hầu hết các ngành đều báo cáo mức tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2021 chủ yếu dựa trên mức thấp của năm ngoái. Đáng chú ý, ngành thép tăng mạnh do giá nhiều loại hàng hóa liên quan tăng mạnh, nguyên nhân đến từ cầu phục hồi và trong khi chuỗi cung ứng bị giãn đoạn.
Ngành thép hưởng lợi chủ yếu từ xuất khẩu khi cầu nội địa giảm sút
Đối với triển vọng ngành thép, kỳ vọng đà tăng giá kéo dài của một số loại hàng hóa có thể tiếp tục là trợ lực, đặc biệt là yếu tố từ thị trường ngoài nước. Theo VDSC, các nhà sản xuất của Việt Nam sẽ hưởng lợi khi áp lực cạnh tranh giảm và giá thép duy trì ở nền cao cho đến nửa đầu năm 2022 do chi phí sản xuất tăng và sản lượng giảm ở Trung Quốc; trong khi nhu cầu tại thị trường Mỹ và EU vẫn mạnh mẽ.
Nửa đầu năm 2021, bối cảnh giá nguyên liệu tăng đã góp phần làm tăng giá thép. VDSC dự báo giá quặng sắt có thể duy trì ở mức 160 USD/tấn vào năm 2022, vì vậy chi phí sản xuất gang lỏng từ lò BOF sẽ tiếp tục ở mức cao và giá thép khó có thể giảm.
Trong 6 tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, nhu cầu thép ở châu Âu được dự báo sẽ tăng, đạt 10,2% vào năm 2021 và 4,8% vào năm 2022 sẽ hỗ trợ xuất khẩu tôn mạ của các doanh nghiệp Việt. Các biện pháp tự vệ của EU được gia hạn đối với thép nhập khẩu, chủ yếu nhắm vào đối thủ như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi các nhà sản xuất Việt Nam như NKG, HSG đã nhận đủ đơn đặt hàng cho đến tháng 11.
Chênh lệch giá HRC giữa EU và Việt Nam ngày càng nới rộng và dao động trong khoảng 300-530 USD/tấn, từ đây ước tính biên lợi nhuận gộp của các nhà xuất khẩu thép ở Việt Nam có thể dao động từ 15%-25% trong nửa sau năm 2021, sau đó giảm xuống khoảng 14% vào năm 2022, tuy vậy vẫn cao hơn so với giai đoạn 2018-2019.
Mảng tiêu thụ thép cán nóng (HRC) sẽ tích cực nhờ nhu cầu mạnh mẽ của các nhà sản xuất hạ nguồn. Theo đó, giá bán HRC trong quý 3 vẫn ở mức cao nhờ nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ sang các thị trường EU-Bắc Mỹ – những thị trường vốn cấm thép có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong năm 2022, VDSC kỳ vọng mức tiêu thụ HRC sẽ vẫn ở mức cao và mức chênh lệch giá thép cao giữa châu Âu-Bắc Mỹ và Việt Nam cho phép HPG và Formosa xuất khẩu với lợi nhuận cao khi giá thép cạnh tranh. Do đó, HPG và Formosa vẫn sẽ có lợi nhuận và sản lượng tiêu thụ cao trong 6 tháng cuối năm 2021 ở mảng HRC.
Trái ngược, mảng thép xây dựng sẽ yếu về nhu cầu trong ngắn hạn cùng chi phí sản xuất tăng sẽ đặt áp lực lên biên lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất thép xây dựng trong nửa cuối năm nay. Tiêu thụ có thể phục hồi trong quý 4 nhờ yếu tố mùa vụ và các dự án bị hoãn lại trong quý 3, tuy nhiên, vẫn phụ thuộc vào tình trạng dịch bệnh. Phải bước sang năm 2022, sau dịch bệnh thì nhu cầu mới có khả năng phục hồi.
Hòa Phát (HPG) duy trì lợi nhuận tốt nhờ giá thép cao và nhu cầu HRC mạnh
VDSC nhận định, giá thép cán nóng (HRC) của HPG trong quý 3 tiếp tục tăng lên 960 USD/tấn, đồng thời kỳ vọng có thể duy trì ở mức 900 USD/tấn trong quý 4/2021. Do đó, HPG có thể đạt tỷ suất lợi nhuận gộp 38,5% trong 6 tháng cuối năm nay.
Tuy nhiên, mảng thép xây dựng không được đánh giá khả quan khi nhu cầu có thể suy yếu trong nửa cuối năm do tác động của các biện pháp kiểm soát đại dịch. VDSC ước tính doanh thu và LNST nửa cuối năm của HPG đạt lần lượt 77.000 tỷ đồng (+53%YoY) và 16.300 tỷ đồng (+ 93%YoY).
Hoạt động xuất khẩu tôn mạ đem về lợi nhuận cho Hoa Sen (HSG)
Tại HSG, nhu cầu mạnh mẽ từ nước ngoài sẽ cho phép doanh nghiệp này vận hành các nhà máy tôn mạ ở mức công sức tối đa trong nửa sau của năm 2021. Công ty đã nhận đủ đơn đặt hàng ở nước ngoài để sản xuất cho đến tháng 11-12, theo đó sản lượng xuất khẩu trong quý 4 có thể tăng 10% so với quý trước, trong khi sản lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa có thể giảm 11%.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp xuất khẩu có thể tăng lên 19,5% trong quý 4. Sản lượng xuất khẩu sang các thị trường có mức sinh lời cao như EU và Mỹ có thể tăng 120% so với quý trước lên mức 183.000 tấn trong quý 4. VDSC kỳ vọng rằng sản lượng xuất khẩu của HSG có thể đạt 1,1 triệu tấn trong năm tài chính 2021-2022, giảm nhẹ 4% nhưng vẫn ở mức cao so với các năm trước. Kịch bản kinh doanh của HSG trong năm tài chính 2020-2021 là doanh thu đạt 13.095 tỷ đồng (+57% YoY) và LNST đạt 1.100 tỷ đồng (+144% YoY).
Thép Nam Kim (NKG): Xuất khẩu là động lực tăng trưởng
Trong bối cảnh thị trường nội địa suy yếu, hoạt động xuất khẩu mạnh sẽ bù đắp khi NKG đã nhận đủ đơn đặt hàng xuất khẩu cho đến tháng 11, cho phép các nhà máy hoạt động hết công suất trong năm 2021. NKG có thể đạt mức lợi nhuận xuất khẩu cao trong nửa cuối năm nay so với cùng kỳ do doanh nghiệp đã tích lũy được một lượng lớn HRC ở mức giá thấp trong tháng 6, cùng với chênh lệch giá HRC giữa Châu Âu và Việt Nam ngày càng nới rộng.
Hiện tại, NKG đang xây dựng nhà kho mới và chuyển dây chuyền sản xuất ống thép sang nhà máy mới, nâng công suất ống thép thêm 80% lên 330.000 tấn. VDSC đưa ra dự báo doanh thu và LNST lần lượt đạt 16.350 tỷ đồng, + 140% và 1.160 tỷ đồng, + 390% YoY trong nửa cuối năm 2021. Lãi ròng cả năm dự phóng đạt 2.260 tỷ đồng.
Nguồn Cafef.vn